Cách giữ sức bền khi đi trekking
Yêu cầu cần thiết khi bạn quyết định tham gia một chuyến trekking chính là sức khỏe, sức bền. Một nguười có sức khỏe không đồng nghĩa với việc có sức bền, thế nên đừng ỷ y vào sức khỏe bản thân mà không trau dồi cách tăng hạng cho sức bền bạn nhé.
1. Luyện tập sức bền
Khi bạn lên kế hoạch đi trekking, hãy cho mình một khoảng thời gian để luyện tập sức bền, ít nhất là 2 tuần. Hãy làm quen dần với việc đi bộ, chạy bộ để tăng cơ, giúp các cơ quen thuộc với việc di chuyển, vân động với tần suất, nhịp độ như khi bạn trekking. Vì nếu các cơ chưa “sẵn sàng” mà bạn đã thúc ép chúng sẽ dễ gây ra việc mất sức, thậm chí là gây chấn thương.
2. Giữ nhịp thở
Một trong những cách giữ sức bền quan trọng đó là việc giữ cho nhịp thở đều. Kiểm soát được hơi thở đều cũng là cách bạn kiểm soát năng lượng của mình. Khi hít vào hãy giữ hơi thở ở rốn, giữ thói quen này đến khi cảm nhận được vùng bụng mình ấm lên, đây là lúc bạn đã kiểm soát được hơi thở và cả năng lượng rồi đấy. Gữ cho mình tốc độ di chuyển bình thường như lúc bắt đầu, giữ hơi thở cả những lúc lên hay xuống dốc. Nếu mệt bạn có thể nghỉ ngơi thế nhưng chỉ một lúc thôi nhé, việc nghỉ ngơi nhiều quá sẽ khiến cơ bị lạnh đi.
3. Cấp nước thường xuyên cho cơ thể
Cấp nước cho cơ thể thường xuyên là một trong những các giữ sức bền cho bạn. Di chuyển lâu cơ thể bạn sẽ mất nước vì vậy hãy đem bình nước theo để cấp nước đủ cho cơ thể. Thế nhưng, đừng tua hết một hơi nhiều nước, hãy uống từng ngụm ít nước và chia ra nhiều lần. Điều này giúp tiết kiệm nước và giúp bạn không bị “sốc hông”. Bạn có thể nạp các loại nước có đường (trà đường), nước điện giải, nước chanh hoặc vitamin, viên sủi C để ổn định đường huyết, năng lượng, và tuyệt đối không uống các loại nước có gas.
4. Không trùm kín mặt mũi
Gió bụi, nắng nóng trên đường trekking là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, đừng vì thế mà bịt khẩu trang hay trùm kín mặt mũi bạn nhé! Điều này khiến bạn thiếu khí oxy để thở đồng thời khi bạn trùm kín mũi, bản thân phải hít một lượng khí CO2 gây ngộp và mất sức.
5. Giữ sự tập trung
Hãy luôn mặc định rằng việc trekking thế này chẳng hề làm khó được bạn, bạn nhất định sẽ vượt qua. Đừng để tinh thần, cảm xúc chán nản vây lấy bạn, nó sẽ khiến bạn mất động lực bước tiếp đấy!
6. Trò chuyện
Việc trò chuyện cùng mọi người trong team cùng là cách giữ sức bền. Những khi trò chuyện sẽ khiến tinh thần vui vẻ làm bạn quên đi mệt mỏi. Thế nhưng vẫn nên không nói quá lớn, nói nhiều sẽ tốn hao năng lượng của bạn; cũng như tán gẫu không cần thiết cũng gây xao nhãng, dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
7. Nạp dinh dưỡng
Những lúc nghỉ ngơi hay đến giờ ăn, bạn cần phải nạp năng lượng ngay và đủ cho bản thân để bước tiếp chuyến hành trình. Nên ăn những món nhẹ bụng nhưng phải có lượng dưỡng chất cao như trái cây (đừng ăn trái quá chua, sẽ bị cồn cào dạ dày); thanh protein bar hay ức gà,…
Những cách giữ sức bền trên cho bạn đủ sức vượt qua những cung đường trekking khó nhằn. Bạn đừng quên bỏ ra thời gian luyện tập sức bền trước khi đi nhé, vì đó là yếu tố quyết định cho một cơ thể khỏe mạnh, bền bỉ.