Chuyến trekking Cát Bà đầy thú vị của cậu bé 22 tháng tuổi
Có thể mọi người sẽ lầm tưởng rằng, để tham gia được những chuyến trekking phải đủ 18 tuổi trở lên. Nhưng câu chuyện trải nghiệm hang Thủng của anh Lê Cao Hải cùng cậu con trai 22 tháng tuổi sẽ khiến bạn cảm thấy bất ngờ.
Trong đợt dịch căng thẳng này, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (Hai LeCao) 37 tuổi cùng con trai (Táo) đã bị mắc kẹt tại Hải Phòng. Thế nhưng vì đam mê trải nghiệm anh đã chọn điểm đến Hang Thủng (Cát Bà) để khám phá và chụp lại những tấm hình thật đẹp. Anh quyết định dẫn theo cậu con trai 22 tháng tuổi đi cùng, đây cũng chính là chuyến đi trekking đầu đời của bé nên vô cùng bỡ ngỡ và phải chuẩn bị thật nhiều.
Anh Hai LeCao quyết định lựa chọn Hang Thủng là điểm khởi đầu cho hành trình trekking của bé Táo vì nơi đây mang tới nhiều trải nghiệm thú vị.
Những trải nghiệm trong chuyến trekking đầu đời của cậu bé 22 tháng tuổi
Hai cha con đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại Hang Thủng. Quãng đường đầu tiên là băng qua đường đất với những khu trồng sắn. Đoạn này, hau bố con Hai phải cúi thấp người xuống để đi. Vượt qua đoạn này, sẽ tới một cung đường khá ẩm ướt và hai bố con đã gặp không ít khó khăn vì dễ trơn trợt.
Cậu bé Táo vẫn tự đi qua mà không cần sự hỗ trợ quá nhiều từ bố. Khi lên cao, họ bắt đầu gặp phải khá nhiều khó khăn khi xuất hiện những tảng đá lớn, đá tai mèo sắc. Lúc này, anh Hải đã giúp đỡ con trai để vượt qua cung đường này.
Anh cho biết 70% chuyến hành trình con đều tự mình di chuyển, leo trèo. Phải chăng vì từ nhỏ bé đã được anh rèn luyện, cộng thêm đức tính mạnh mẽ thích chinh phục những điều mới lạ từ cha nên Táo rất quyết tâm với chuyến đi này.
“Trong suốt quá trình leo núi anh luôn bên cạnh để cổ vũ tinh thần và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết giúp con tự tin vượt qua nhiều thử thách. Chính điều này làm con luôn hào hứng và quyết tâm cao hơn”. Anh Hai LeCao chia sẻ.
Luôn có cha ở bên hỗ trợ nên Táo rất ngoan và cố gắng. Điều này cũng khiến anh cũng vô cùng ngạc nhiên. Những lần vấp ngã, bé tự mình nhanh chóng đứng dậy không hề nhõng nhẽo. Mỗi lần vượt qua một thử thách của chính mình Táo đều cất lên tiếng “Hây a” tiếng quen thuộc của hai cha con trong mỗi buổi luyện tập.
Chia sẻ thêm về tiếng này anh Hải nói: “Vì có vài lần tập, bé phản ứng lại bằng sự mếu máo khóc lóc, mè nheo. Lúc đó anh thường nói với con ‘Con trai không khóc nhè. Nếu đau, mệt con hãy hét thật to lên. Và mình hét ‘Hây a’ làm mẫu cho con. Từ đó bé quen với việc hét to để lấy can đảm mỗi lần vượt khó khăn”.
Hình thành cho con những thói quen từ rất sớm
Từ khi Táo còn nhỏ, anh đã luôn muốn con được tiếp xúc với thiên nhiên bên ngoài thay vì chỉ nhìn qua sách vở, tivi. Bản thân nhiếp ảnh gia cũng là người yêu thiên nhiên hoang dã, anh cũng đã có nhiều năm rèn luyện chơi những môn thể thao mạo hiểm. Nhờ đó hiểu được tác dụng hữu ích khi con người gắn kết, gần gũi với thiên nhiên. Anh cho rằng việc trải nghiệm trực tiếp sẽ giúp con có cái nhìn tổng quát hơn về thiên thiên tươi nơi con đang sống và đi qua.
“Trẻ nhỏ sẽ hiểu được những giá trị tích cực từ thiên nhiên tác động lại đến con người trong quá trình truyền tải và tiếp nhận kiến thức. Hệ thực vật phong phú, động vật đa dạng sẽ làm cho trẻ thể hiện tính tò mò”. Anh Hai LeCao nói.
Cũng chính những điều này, anh Hải đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ sức khoẻ đến tinh thần cho bé Táo bằng việc luyện tập, trải nghiệm trước chuyến trekking. Hai cha con đã cùng nhau đi lang thang chụp ảnh quanh Hải Phòng, đặt chân đến bãi biển Cát Hải hay về những vùng hoang sơ làm quen với nắng gió,…
Khi nói về quá trình luyện tập, nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Đầu tiên anh phải cho trẻ làm quen với việc tự lập, bước đi bằng chính đôi chân của mình. Ngay từ những ngày đầu tập đi anh luôn tự lập và tự đi cả gần cây số, đến khi về nhõng nhẽo muốn ba bế anh sẽ nói cho con hiểu: ‘Con đi chơi được thì con phải tự về được’. Và thói quen tự lập được hình thành từ đó. Khi luyện được tính tự lập thì bắt đầu đến việc làm quen các bài thể dục. Chiều chiều hai cha con thường xuyên tập luyện cùng nhau các bài tập từ đơn giản đến phức tạp như giữ thăng bằng, leo cầu thang…”.
Dẫn theo trẻ nhỏ đi trekking có thực sự nguy hiểm?
Câu chuyện đi trekking của 2 cha con anh Hải đã truyền cảm hứng cho nhiều người, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng cho trẻ đi trải nghiệm từ khá sớm rất nguy hiểm và không phải ai cũng dám làm. Tuy nhiên, anh Hải mới chính là người hiểu rõ nhất con trai mình. Anh Hải thấu hiểu được tình trạng sức khoẻ của con và hơn ai hết biết được sự thích thú của Táo trước mỗi chuyến đi.
“Vì chỉ duy nhất anh là người tập luyện cùng con cả một quá trình dài. Anh có sự quan sát, nhìn ngắm biểu hiện của con nên anh sẽ là người biết rõ nhất về sự sẵn sàng của con cho mỗi thử thách. Hơn ai hết, anh biết điều gì tốt nhất hay nguy hiểm cho con mình chứ không phải những ý kiến từ người ngoài nhìn vào nhận xét”. Anh Hai LeCao bộc bạch.
Anh Hải chia sẻ thêm, anh luôn có cách hướng dẫn con luyện tập và trải nghiệm và mỗi người sẽ có ý kiến khác nhau, chính bản thân anh cũng không áp đặt ý kiến riêng mình cho số đông. Bởi không phải đứa trẻ nào cũng có đam mê và thể lực giống nhau và mỗi gia đình sẽ có cách rèn luyện cho con khác nhau.
“Anh không khuyến khích ai mang theo trẻ nhỏ đi về những vùng hoang dã trải nghiệm cả. Thứ nhất vì không phải ai cũng có đam mê hoà mình với thiên nhiên. Hơn nữa mỗi người luôn có hướng dạy con phù hợp với khả năng và môi trường của họ. Vì anh luôn đề cao lối sống yêu thiên nhiên hoang dã và yêu thích sức khoẻ nên anh sẽ hướng con theo cách mình cho là phù hợp nhất, hiểu mình hiểu con nhất”, chia sẻ với TravelMag.