Khác với Tà Xùa thiên đường mây ở Bắc Yên – Sơn La có thể dễ dàng chinh phục bằng xe máy, thì leo Tà Xùa – Yên Bái sẽ khó khăn hơn nhiều. Bạn sẽ phải vượt qua sống khủng long hùng vĩ và những khu rừng ma mị phủ đầy rong rêu với ngọn núi nằm trong top 15 Việt Nam.
Tà Xùa là một ngọn núi cao 2.865m so với mực nước biển, ngọn núi này xếp thứ 13 trong tổng 15 núi cao nhất ở Việt Nam (xét về độ cao). Đỉnh Tà Xùa thuộc Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một đỉnh săn mây cực kỳ nổi tiếng được các bạn trẻ biết đến. Tà Xùa có ba đỉnh: đỉnh 1, đỉnh 2 và đỉnh 3, trong đó đỉnh cao nhất là đỉnh 3 (độ cao 2.865m).
Vào ngày hè nhưng thời tiết ở vùng rừng núi Tà Xùa khá mát mẻ, nhiệt độ thường chỉ dao động từ 18-25 độ C. Chúng tôi đi theo lối mòn dẫn lên núi. Theo người dẫn đường – một chàng trai người Mông ở Tà Xùa (xã Bản Công, Trạm Tấu), con đường này được hình thành do người Mông bản địa thường xuyên leo núi để hái măng, lấy củi và gần đây là đi chăn thả dê, ngựa…
Lên đến từng độ cao, mọi người được trải qua nhiều khung cảnh, lúc thì bao la hùng vĩ của trời xanh, nắng vàng, khi lại chìm vào màn sương mờ giăng khắp chốn. Từ độ cao 2.000m so với mực nước biển, những thân cây cổ thụ cao vút, mấy người ôm không xuể xuất hiện dày đặc. Đến chiều muộn, mấy kẻ leo núi nghiệp dư như chúng tôi bắt đầu thấy cơ bắp, chân tay rệu rã.
Ngủ nhờ một đêm trong lán của người Mông dựng sẵn, chúng tôi dậy rất sớm vào buổi sáng hôm sau để ngắm biển mây bồng bềnh, ôm ấp cả dải đỉnh núi mang biệt danh “Sống lưng khủng long” kỳ vĩ. Những đợt thay đổi của lớp vỏ địa chất từ hàng triệu năm đã kiến tạo ra một dải núi Tà Xùa nhô lên cao với ba đỉnh không thể ấn tượng hơn.
Đường đi trên đỉnh dải núi chỉ có một lối mòn nhỏ, hai bên là màu xanh bao la của những vạt rừng già. Đi trên độ cao khoảng 2.500m so với mực nước biển, chúng tôi có cảm giác bồng bềnh thật khó tả, được thưởng thức bản hòa tấu lảnh lót của nhiều loài chim giữa khu rừng hoang vắng. Gần trưa mà sương mù lại càng dày đặc. Không khí trở nên ẩm ướt, chúng tôi phải lấy những chiếc áo mưa thủ sẵn trong balô để mặc và bảo quản máy móc, vật dụng.
Xuyên qua hàng loạt cung đường núi với đầy gai góc, đến độ cao khoảng 2.600m so với mực nước biển, chúng tôi bắt gặp hình ảnh khu rừng đầy huyền bí. Cả một cánh rừng bao la, rộng hàng trăm hecta hiện ra trước mắt mọi người với loài rêu xanh, thảm thực vật bám sống đầy trên thân cây, cành lá…
Ngay dưới chân cũng là những thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti. Được đi trên thảm rêu đặc biệt này, quả thực mang lại cho chúng tôi nhiều cảm giác thú vị. Loài rêu xanh, rồi thẫm ngả vàng ngự trị ở khắp mọi nơi. Những thân cây rêu bám kín đã biến thành chiếc kem bông khổng lồ màu xanh. Những người lần đầu đến đây đều mắt tròn mắt dẹt, há hốc mồm đầy lạ lẫm, thích thú.
– Phải rèn luyện sức khỏe các bài tập đi bộ, leo dốc… trước hành trình.
– Bắt buộc phải có người dẫn đường am hiểu thời tiết, địa hình.
– Các vật dụng không thể thiếu: giày leo núi, áo khoác, áo mưa, găng tay, túi – lều ngủ, đèn pin, thuốc chống côn trùng, băng gạc, các loại thuốc cần thiết khác, nước uống, đồ ăn, thiết bị định vị…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng rêu ở đây là một dạng của chi thực vật biểu sinh. Những loài rêu, rêu tản và cả số ít dương xỉ, phong lan… ký sinh trên thân gỗ, trên đá. Ở Việt Nam chỉ có một số ít ngọn núi cao khí hậu quanh năm mát mẻ kiểu ôn đới như núi Tà Xùa (Yên Bái), Tả Liên (Lai Châu)… mới có khu rừng với thảm thực vật biểu sinh ấn tượng đến vậy.
Để chuyến trekking được diễn ra thành công bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ đạc, nhu yếu phẩm cần thiết cho buổi đi. Chúc các bạn có một chuyến đi thành công và vui vẻ
Sapa đã trải qua những thay đổi của thời gian, biến mình thành một điểm…
Y Tý đang là điểm dừng chân rất “hot” mà cộng đồng du lịch không…
Được đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất của Tây Nguyên hiện…
Ngũ Chỉ Sơn Sapa được ví với cái tên “ngọn núi đẹp nhất Tây Bắc”.…
Nhắc đến Lào Cai là nhắc đến thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ. Lào…
Núi Đá Chồng là một địa danh vô cùng độc đáo tại Quảng Ninh và…