Theo Dấu Đường Sắt Răng Cưa Đà Lạt – Tháp Chàm
Tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam. Và cũng là một trong những tuyến đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới. Giờ đây, dẫu chỉ còn là phế tích, nhưng nó vẫn mang một vẻ đẹp độc đáo. Không chỉ bởi gợi bao niềm tiếc nhớ mà còn trở thành địa điểm ghé thăm đặc biệt của du khách khi tới thành phố mù sương.
Tuyến đường sắt kỳ vĩ
Tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại Phan Rang – Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi của thế giới (một ở Việt Nam và một ở Thụy Sĩ).
Bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1898. Đường sắt được khởi công năm 1908 theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer. Bắt đầu, thi công đoạn 38 km giữa Tháp Chàm và Xóm Gòn.
Năm 1916 những chuyến xe lửa đầu tiên bắt đầu hoạt động mỗi tuần hai chuyến. Năm 1917 được nối dài đến tận Sông Pha (Krông Pha) – dưới chân đèo Ngoạn Mục.
Năm 1922, công ty thầu khoán châu Á tiến hành xây dựng đường sắt nối Sông Pha tới Trạm Hành – Đà Lạt.
Năm 1928, thi công 10 km khó khăn nhất giữa Krông Pha và đèo Eo Gió (Bellevue) được hoàn thành.
Bốn năm sau, vào năm 1932, đoạn D’Ran được hoàn thành, tuyến đường chính thức đi vào hoạt động.
Tổng kinh phí xây dựng là 200 triệu Franc vào lúc bấy giờ.
Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt là con đường huyết mạch thông thương từ đồng bằng lên miền cao nguyên Lang Biang, đóng vai trò quan trọng trong sách lược xây dựng trạm điều dưỡng Đông Dương và thủ đô của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Đà Lạt.
Giờ đây, dẫu chỉ còn là phế tích, nhưng các dấu tích còn sót lại của tuyến đường sắt răng cưa lịch sử vẫn còn đau đáu trong niềm hoài cổ và sự nuối tiếc của những người đã đi qua thời hoàng kim và trong sự khao khát tìm hiểu thế hệ trẻ theo dòng lịch sử.
Ký ức người lái tàu
Gặp gỡ cụ Nguyễn Văn Viễn – người lái tàu duy nhất trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm từ thời Pháp thuộc đến nay vẫn còn sống. “Tôi sinh năm 1922 tại làng Quý Lý, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 20 tuổi đi làm phu trà tại Sở trà Cầu Đất (Đà Lạt). Đây là nhà máy chè đầu tiên do người Pháp lập tại Đông Dương. Khi Nhật vào xâm lược nước ta, Sở trà Cầu Đất đóng cửa. Tôi lên Đà Lạt đi làm bồi cho người Pháp. Ngày 1/4/1947, tôi được một sĩ quan Pháp giới thiệu vào làm tại Sở hỏa xa Đà Lạt.” – cụ Viễn nhớ lại.
Khi mới vào làm, cụ Viễn cũng chỉ được giao vài việc lặt vặt như đốt lò, dọn vệ sinh, soát vé. Đến năm 1953, cụ mới chính thức trở thành phụ lái. Rồi lái chính.
Ngày ấy, mỗi đầu máy hơi nước thường có 1 lái tàu, 2 nhân viên phụ trách tiếp nước, đốt than. Là người kỹ tính nên cụ Viễn thường xuyên có cuốn sổ ghi chép công việc thường ngày. Chỉ vào những trang giấy cũ nhàu, cụ Viễn giải thích: “Quãng đường từ Phan Rang lên Krông Pha khá bằng phẳng nên chạy bằng đầu máy loại thường. Mỗi đầu có thể kéo 20 toa. Tuy nhiên, khi tới Krông Pha thì phải thay bằng đầu máy vượt đèo. Lúc này mỗi đầu máy chỉ kéo được tối đa khoảng 65 tấn, tương đương 4 toa. Thời gian trung bình đi từ ga Tháp Chàm lên Đà Lạt mất khoảng 3 tiếng rưỡi”.
Tàu vượt đèo là hành trình đầy thử thách với người lái
Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng. Khi lên đèo, lái tàu sẽ điều kiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc. Nếu như ở đường bằng, tàu có thể chạy với tốc độ 35km/h. Thì ở những đoạn răng cưa chỉ đạt khoảng 5 – 10km/h. Đây cũng là những giây phút căng thẳng nhất đối với người lái tàu. Bởi chỉ cần sơ sểnh một chút cả đoàn tàu sẽ bị tuột hoặc lật về phía sau. “Năm 1940, tại km 40 + 800 tàu bị trật đường ray lao xuống vực làm hơn 30 người thiệt mạng. Năm 1968, tàu bị trúng mìn làm toàn bộ tổ lái 4 người chết. Rồi còn vô số vụ tai khác nữa…” – cụ Viễn ngậm ngùi nhớ lại.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt ngừng hoạt động
Năm 1969, do chiến tranh ác liệt, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt ngừng hoạt động. Cụ Viễn chuyển xuống lái tàu lửa tuyến Tháp Chàm – Sài Gòn. Năm 1975, cụ Viễn được chính quyền cách mạng tuyển dụng, tiếp tục phục vụ trong ngành đường sắt. Cụ cũng là người lái 6 chiếc đầu máy hơi nước về ga Đà Lạt để chuẩn bị khởi động lại tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm.
Tuy nhiên, lúc này do yêu cầu phải thông tuyến đường sắt Bắc Nam nên ngành đường sắt chủ trương tháo dỡ toàn bộ vật tư tại các tuyến đường xương cá. Trong đó có tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt để phục vụ cho việc khôi phục đường sắt Thống Nhất. Cụ Viễn cho biết: “Ngày ấy nếu có khôi phục lại tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt thì hiệu quả kinh tế sẽ không đạt. Vì toàn bộ máy móc sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng đã quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Khi sử dụng có thể xảy ra tai nạn. Vì vậy, ngành đường sắt chỉ khôi phục khoảng 7km từ Đà Lạt đi Trại Mát để phục vụ khách du lịch”.
Đừng bỏ lỡ Tour Khám phá Đường sắt Răng cưa Krong-pha Đà Lạt cùng vietrekking nhé!