Ngày đầu tiên du khách đi từ Hà Nội tới Lộc Bình, Lạng Sơn trong khoảng gần 3 tiếng, ăn trưa ở huyện trước khi đi vào chân núi bắt đầu hành trình leo vào đầu giờ chiều. Khởi đầu du khách sẽ đi qua những cánh rừng rậm rạp với lối đi nhỏ hẹp, nép bên các rễ cây cổ thụ và đá tảng chênh vênh. Tiếp đó là qua vùng đồi thoải, phủ kín bởi thảm cỏ thấp.
Mùa thu đồi cỏ xanh mướt biến thành màu cỏ cháy vàng, còn mùa đông xuân, cỏ úa được bao trùm bởi sương mây. Hiện tháng 4 ở Phia Pò luôn có mây bay phủ trắng các thung lũng, khiến quang cảnh càng lên cao càng huyền ảo.
Chặng đường từ chân núi lên điểm cắm trại mất khoảng 2 – 2,5 tiếng, có thể lâu hơn với người thể lực yếu hoặc thích dừng nghỉ chụp ảnh phong cảnh. Du khách sẽ nghỉ chân tại đây. Đêm xuống, nhiệt độ ở đây dao động từ 19 đến 22 độ C, có thể kèm mưa phùn không đáng kể. Du khách nên mang thêm một bộ quần áo và tất để thay phòng khi ướt.
Ngày thứ 2 của chuyến đi, chặng đường khoảng 3 – 3,5 km trong rừng nhưng địa hình nhiều dốc và rừng nguyên sinh rậm rạp hơn. Đặc biệt đi vào mùa mưa và ẩm sẽ gặp nhiều muỗi, vắt nên du khách cần chuẩn bị trang phục kín, mũ, khăn, áo quần dài đồng thời sử dụng thêm thuốc bôi chống côn trùng.
Dù là ngày cuối tuần, du khách cũng không gặp quá nhiều người leo núi. Cảnh quan, thảm thực vật ở đây đa dạng và sự thay đổi của mây trời khiến mỗi bước chân là một bất ngờ.
Trekking đỉnh Phia Pò vào tháng 4, du khách còn được ngắm nhìn đỗ quyên hồng, đào chuông, lan… cùng các loài hoa rừng nở dọc đường đi.
Đoạn đường cuối để tới đỉnh Phia Pò nhìn như một sống lưng khủng long khổng lồ, được bao phủ bởi cây bụi thấp, cỏ cao ngang người tới các loại cây thân gỗ. Trong những ngày mưa, du khách sẽ được ngắm biển mây từ đây và tận hưởng cảm giác mây sà xuống lối đi.
Cạnh đỉnh núi là một rừng cây đỗ quyên cổ thụ với những gốc rễ và thân cây mọc chằng chịt, phủ đầy rêu và địa y.
Ngày thứ 2 du khách leo lên đỉnh trong buổi sáng, sau đó về điểm cắm trại ăn trưa, dọn lều rồi xuống chân núi trong chiều để quay lại Hà Nội kịp tối.